Sự tích chùa Một cột

Ngày xưa, vào đời Lý, vua Lý Thái Tôn là một tín đồ nhiệt thành của đạo Phật, theo phái Vô Ngôn Thông.
Thuở bấy giờ, đạo Phật đang độ bành trướng, riêng triều đại này nhà vua truyền xây 95 ngôi chùa mới, trùng tu lại tất cả những tượng Phật và trong các dịp lễ lớn này đều ban tha thuế cho toàn dân.
Năm 1049, một hôm vua Thái Tôn nằm mộng thấy Phật Bà Quan Âm hiện ra, đưa nhà vua đến một tòa sen rạng ngời ánh sáng. Sau khi tỉnh dậy, Vua thuật lại câu chuyện chiêm bao cho quần thần hay. Thiền tăng Thuyền Lã, vị sư đã hướng dẫn nhà sư trên đường đạo hạnh, bàn cùng nhà vua nên dựng một ngôi chùa để nhớ ơn đức Quan Âm.



Chùa Diên Hựu được dựng lên theo hình hoa sen, ở trên một cái cột lớn độc nhất giữa một cái ao trồng toàn sen gần kinh đô. Ngôi chùa kiến trúc đặc biệt theo nghệ thuật Đại la đời nhà Lý, tục gọi là chùa Một Cột. Ngày nay vẫn còn ở đất cố đô Thăng Long, ghi lại cuộc gặp gỡ kỳ ảo giữa ông vua mộ đạo với Phật Bà Á Đông.
Khảo dị:
Chùa một cột ở phía tây Thủ đô, thuộc thôn Ngọc Thanh, khu Ngoc Hà. Nơi đó nguyên có một cái hồ hình vuông, giữa hồ có một cột đá, cao chừng hai trượng, chu vi chín thước, đầu trụ đặt một tòa chùa ngói đỏ, hình như một đóa hoa sen dưới nước mọc lên, người ta gọi là chùa Nhất Trụ hay là chùa Một Cột. Chùa xây từ năm 1049, tức là năm đầu niên hiệu Sùng Hưng Đại Bảo vua Thái Tôn nhà Lý.
Tục truyền khi ấy vua Thái Tôn tuổi đã cao mà chưa có con trai, thường đến cầu tự ở các chùa. Một đêm nằm chiêm bao thấy đức Phật Quan Âm hiện trên đài hoa sen trong một cái hồ vuông ở phía tây thành, tay bế một đứa con trai đưa cho nhà vua.
Sau đó nhà vua quả sinh được con trai. Nhà vua liền sai lập chùa Một Cột để thờ Phật Quan Âm. Khi chùa làm xong, nhà vua triệu tập hàng ngàn Tăng Ni đứng chầu chung quanh, tụng kinh suốt bảy ngày đêm, và lập thêm một ngôi chùa lớn ở ngay bên cạnh để thờ chư Phật, gọi là chùa Diên Hựu.

Năm 1105, vua Nhân Tôn nhà Lý cho sửa lại chùa, dựng lên một cây tháp bằng đá trắng gọi là tháp Bạch Tuynh, cao 13 trượng ở trước chùa Diên Hựu. Từ tháp Bạch Tuynh vào chùa Một Cột, đi bằng một hành lang cầu vồng. Mỗi tháng hai ngày rằm, mùng một, nhà vua cùng các hậu phi,cung tần và cận thần tới chùa lễ Phật. Đặc biệt là hằng năm cứ đến ngày tám tháng tư là ngày Phật Đản, nhà vua lại ngự ra chùa trước một đêm, giữ mình chay tịnh, ngày hôm sau làm lễ tắm Phật. Rất đông Tăng Ni và nhân dân các nơi tới dự, làm nên ngày hội lớn hàng năm ở thủ đô. Ngày ấy, trước chùa lại có một lễ lớn gọi là Lễ Phóng sinh. Lễ tắm Phật xong rồi, nhà vua đứng lên đài cao, tay cầm một con chim thả cho bay đi, rồi các tăng Ni và các nam nữ thiện tín, đua nhau mỗi người thả một con, bóng bay rợp trời.
Năm 1922, trường Viễn Đông Bác Cổ có sửa chữa lại, giữ theo đúng như quy chế cũ.
Đêm ngày 11 thánh 9 năm 1954, tay sai của thực dân Pháp, trước khi phải giao trả thủ đô cho Chính phủ và nhân dân ta, đã cố ý đặt mìn để phá hoại chùa Một Cột. Ngày sau khi tiếp quản thủ đô, chính phủ ta đã cho chiếu theo đồ dạng cũ, sửa chữa lại ngay; tháng 4 năm 1955, chùa Một Cột lại được hoàn nguyên như cũ.
Từ đầu 1958, cây bồ đề của đất Phật Ấn Độ kính tặng Hồ Chủ tịch nhân dịp Người đi thăm Ấn Độ, được đem trồng trong chùa.
Nói đến chùa Một Cột này, có một việc cần phải nói rõ là : chúng ta đọc sử về đời Lý-Trần, vẫn thấy nói đến “ An Nam tứ khí” nghĩa là bốn thứ kiến trúc lớn ở nước Nam[2], mà quả chuông ở trước Chùa Một Cột là một.
Theo sử cũ chép : Cũng về đời vua Nhân Tôn nhà Lý, vào năm Long Phù thứ tám (1108), nhà vua cho xuất kho một vạn hai ngàn cân đồng để đúc một quả chuông lớn gọi là Giác Thế Chung ( quả chuông thức tỉnh người đời) để treo ở chùa Diên Hựu, định mỗi khi đánh một tiếng chuông, tiếng sẽ vang đi mấy dặm. Xây một tòa phương đình toàn bằng đá xanh, cao 8 trượng, trên nóc đình bắc những đóng sắt to để treo chuông. Xây đình và đúc chuông, hơn một năm mới xong, hàng ngày các nơi phải thay nhau đưa dân phu đến phục dịch. Thân hình quả chuông không biết to lớn thế nào, chỉ biết khi đúc xong không thể nào treo chuông lên được, đành cứ phải để chuông đứng sát mặt đất, nên đánh chuông không kêu. Rồi bao nhiều lần dồn ép hàng ngàn người xúm vào ra sức vần xoay, kết cục chỉ vật ngã được quả chuông lăn kềnh trên mặt ruộng. Lúc đầu người ta còn làm mái che chuông, lâu ngày chẳng ai đoái hoài, mặc cho chuông nằm phơi mưa gió. Nơi chuông nằm lại vốn là một ruộng nước, lòng chuông trở thành cái tổ êm ấm cho từng đàn rùa chui ra chui vào. Vì vậy chuông lại được mang cái tên là chuông ruộng rùa.
Chuông bị dải dầu như thế đến hơn ba trăm năm. Năm 1427, bọn phong kiến nhà Minh sang xâm chiếm nước ta đã hai mươi năm, bị quân dân ta do Bình Định Vương lãnh đạo kháng chiến anh dũng, phải rút về cố thủ ở thành Đông Quan ( tức Hà Nội), rồi bị quân ta vây hãm hơn hai tháng, lương thực bị thiếu thốn, khí giới đạn dược cũng hao mòn, chúng phải vơ vét hết các đồ đồng ở dân gian, rồi đến cả phần thân trên bằng đồng của tháp Báo Thiên và quả chuông ruộng rùa này để đúc sung đạn, nhưng kết cục chúng cũng phải đầu hàng quân ta, cuốn giác về nước.
Về sự tích chùa Một Cột này lại có một truyền thuyết nói rằng: Bà Linh Nhân Thái hậu, vợ vua Thái Tôn nhà Lý, không sinh đẻ, tính lại cả ghen, bà sai Thái giám bắt giam 72 cung nữ có nhan sắc, thường được chầu hầu nhà vua, giam vào phòng tối ở cung Thượng Dương; tới khi vua Thái Tôn mất, bà lại bắt 72 người ấy phải chịu chôn sống để chết theo vua.Sau bà hối hận, dựng 72 ngôi chùa để siêu độ các oan hồn. Chùa Một Cột này là một trong 72 ngôi chùa ấy.

Bình luận

XEM THÊM NGAY
ĐĂNG KÝ THIẾT KẾ

CHAT VỚI

X HOME - THINKDIFFERENTLY * NGÔI NHÀ ĐẶC BIỆT - SUY NGHĨ KHÁC BIỆT chuyên thiết kế, thi công xây dựng, nội thất, sơn bả thạch cao, mỹ thuật, sân vườn tiểu cảnh, cây cảnh, cây công trình. Hotline: 0965.163.169 - 0975.163.169 - 0949.163.169 - 0902.112.114 -